SỢI CHỈ ĐỎ CỦA THƠ HIỆN ĐẠI ĐIỆN BIÊN (Nguyễn Ngọc Bảo)

Trải qua 40 năm phấn đấu và trưởng thành, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh đã hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị mà Tỉnh ủy đã giao. Cũng trong 40 năm ấy, dù đất nước, tỉnh trải qua nhiều khó khăn, thay đổi, văn học của Lai Châu (cũ) - Điện Biên (hiện nay) vẫn thể hiện rõ sự trung thành tuyệt đối với lí tưởng của Đảng bằng việc trung thành với mục tiêu xây dựng và bảo vệ tính Đảng, tính nhân dân trong các sáng tác, đặc biệt là trong thơ ca. Cho đến hôm nay, tính Đảng và tính nhân dân và tư tưởng Hồ Chí Minh tiếp tục là sợi chỉ đỏ xuyên suốt quá trình phát triển của thơ ca hiện đại Điện Biên.

Sau Cách mạng tháng 8 năm 1945, đặc biệt là giải phóng Điện Biên Phủ 1954 và giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước năm 1975, văn học Lai Châu (cũ) đã phát triển mạnh mẽ. Để thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa nền văn học cách mạng của tỉnh và đáp ứng nhu cầu sáng tác của các văn nghệ sĩ, ngày 20 tháng 7 năm 1981 Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ra quyết nghị số 125-QN-TU thành lập Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Lai Châu, trong đó đã quy định rõ nhiệm vụ: “Hội có trách nhiệm tập hợp, đoàn kết, động viên, giáo dục, bồi dưỡng anh chị em làm công tác văn học nghệ thuật trong tỉnh, giúp đỡ anh chị em sáng tác ra nhiều tác phẩm có chất lượng về tư tưởng và nghệ thuật, phục vụ đắc lực các nhiệm vụ chính trị của tỉnh, góp phần xây dựng nền văn học nghệ thuật chung của cả nước”. Trải qua 40 năm phấn đấu và trưởng thành, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh đã hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị mà Tỉnh ủy đã giao. Cũng trong 40 năm ấy, dù đất nước, tỉnh trải qua nhiều khó khăn, thay đổi, văn học của Lai Châu (cũ) - Điện Biên (hiện nay) vẫn thể hiện rõ sự trung thành tuyệt đối với lí tưởng của Đảng bằng việc trung thành với mục tiêu xây dựng và bảo vệ tính Đảng, tính nhân dân trong các sáng tác, đặc biệt là trong thơ ca. Cho đến hôm nay, tính Đảng và tính nhân dân và tư tưởng Hồ Chí Minh tiếp tục là sợi chỉ đỏ xuyên suốt quá trình phát triển của thơ ca hiện đại Điện Biên.
Báo Cứu quốc số 1986 ngày 05-1-1952 đăng Thư gửi các họa sĩ nhân dịp triển lãm hội họa của Chủ tịch Hồ Chí Minh, có đoạn: “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”. Câu nói ấy đã giao cho văn nghệ sĩ nhiệm vụ chiến đấu trên mặt trận tư tưởng - văn hóa.  Trong bài Khán “Thiên gia thi” hữu cảm Bác cũng đã bộc lộ quan điểm đối với thơ ca:“Cổ thi thiên ái thiên nhiên mỹ,/ Sơn thuỷ yên hoa tuyết nguyệt phong; /Hiện đại thi trung ưng hữu thiết,/ Thi gia dã yếu hội xung phong”. Bác không phủ nhận những rung cảm tinh tế của thơ ca trước cái đẹp của thiên nhiên, nhưng Bác đề xuất thêm nội dung thơ ca cần chuyển tải là chất “thiết”, tức là chất thép, chất cách mạng vào thơ. Có thể coi đây là một “tuyên ngôn thơ” của Người. Trong bản Đề cương văn hóa Việt Nam năm 1943 cũng nhấn mạnh vai trò và tính chiến đấu của văn hóa - văn nghệ trên lập trường giai cấp vô sản theo phương châm “dân tộc, khoa học và đại chúng”. Nhà thơ Sóng Hồng (cố Tổng Bí thư Trường Chinh) cũng đã từng viết:  “Dùng bút làm đòn chuyển xoay chế độ/ Mỗi vần thơ bom đạn phá cường quyền”. Nhà Thơ Nguyễn Đình Chiểu cũng đã xác định nhiệm vụ của thơ ca: “Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm/ Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà”. Như vậy, thơ ca ngoài nhiệm vụ giải trí còn gánh vác một nhiệm vụ quan trọng hơn là phục vụ cho mục đích chính trị, phục vụ cho nhân dân theo đúng lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh. 
Văn nghệ Điện Biên thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị ấy cũng là do đã có những thế hệ cầm bút thấm nhuần lí tưởng Đảng, coi thơ ca là một thứ công cụ hữu hiệu để phục vụ Đảng và cách mạng. Thời kì đầu thành lập Hội, những cây viết chủ lực đều là những cán bộ đang giữ những vị trí lãnh đạo chủ chốt trong tỉnh như nhà thơ Lương Quy Nhân - Phó Bí thư Tỉnh ủy, nhà văn Mạc Phi - cán bộ tuyên huấn tỉnh đội Lai Châu, cán bộ tuyên huấn phòng Dân quân Quân khu Tây Bắc, nhà thơ Giàng Páo Ly - Phó Giám đốc Công an tỉnh, nhà thơ Mùa A Sấu – Chủ tịch Ủy ban Mặt trận tổ quốc tỉnh; nhà văn Trần Quang Huấn – Giám đốc sở Văn hóa, nhà thơ, nhà sưu tầm văn hóa Lò Ngọc Duyên, Phó Giám đốc sở Văn hóa, nhà văn nhà thơ Bùi Từ Thiện, Phó Trưởng ban Tuyên giáo tỉnh ủy, Nguyễn Duy Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy… Những thế hệ cầm bút sau phần lớn là các cán bộ có ngành nghề tương đồng sáng tác là các phóng viên đài, báo, các nhà giáo, những cán bộ lão thành đã nghỉ hưu. Chiếm số lượng ít nhưng có nhiều đóng góp là các văn nghệ sĩ tự do như Trương Hữu Thiêm (sau cũng có sang làm báo), Nguyễn Đức Lợi và thế hệ trẻ nhất là Tòng Văn Hân. Nhưng cả Đức Lợi và Tòng Văn Hân cũng đều đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự, phục viên và trở về lao động sản xuất hoặc kinh doanh. Giai đoạn hiện nay, trong số những nghệ sĩ trẻ có nhiều gương mặt đang công tác trong ngành công an, quân đội và liên quan đến các hoạt động tuyên giáo. Đây là lí do thứ nhất mà các sáng tác thơ ca của Văn nghệ Điện Biên giữ vững tính Đảng, tính nhân dân như một truyền thống trong văn học tỉnh nhà.
Tính Đảng, tính nhân dân và tư tưởng Hồ Chí Minh trong văn học được biểu hiện hết sức phong phú và sinh động, có khi nó được biểu hiện công khai trực tiếp để bảo vệ lí tưởng của Đảng, tuyên truyền cho Đảng, chống lại những tư tưởng thù địch, phản động phá hoại Đảng và thành quả cách mạng của Đảng. Nhưng cũng có khi tính Đảng được thể hiện tinh tế trong những niềm vui trước cuộc sống mới, ca ngợi chế độ mới hoặc xác định vai trò trách nhiệm của mình với Đảng với dân. Cũng có thể đó là khát vọng gìn giữ một nét văn hóa dân tộc, một thể thơ dân tộc bằng những sáng tác song ngữ, sáng tác bằng tiếng dân tộc, hoặc sưu tầm những truyện thơ, thành ngữ tục ngữ dân gian.
Nhà thơ dân tộc Thái, Lương Quy Nhân trong bài Đảng đã cho thuốc hồi sinh đã viết: “Tuổi mười lăm gặp ngay cơn gió ác bão bùng/ Tuổi xuân lòng trong trắng như hoa ban của núi rừng Tây Bắc/ Bừng tỉnh dậy đã thấy Tây đỏ, Nhật lùn/ Hút máu mủ người dân lương thiện”... Từ nhận thức đó, nhà thơ xác định: “Đi theo Đảng, làm theo lời Đảng/ Dưới cờ Đảng quang vinh bách chiến bách thắng”.  Với Lương Quy Nhân, tình riêng và nghĩa chung đã lồng ghép với nhau, đan quyện nhau trở thành tình yêu tổ quốc, cho nên: Dù mới cưới chỉ tròn bốn tháng đầy nhưng chàng trai quyết chí lên đường thực hiện nghĩa vụ quân sự, cầm súng chiến đấu để bảo vệ quê hương. Trong bài Nhớ ông đã “lập luận” với người vợ mới cưới của mình: “Em ạ? Nếu từ chối cả dân tộc nhớ mong/ Tổ quốc Việt Nam đã kéo dài đau lòng...”. Cũng có lúc ông “chống lại” cả phong tục tập quán để tuyên truyền cho Đảng, nhưng “chống” không có nghĩa là ông phủ nhận hoàn toàn phong tục tập quán, thế giới tâm linh của dân tộc mình, mà theo ông, phải tiếp thu những tiến bộ của Cách mạng, phải lấy cái duy vật để duy trì cuộc sống, phải thay đổi thói quen nếp nghĩ để cuộc sống tốt đẹp hơn: “Sống bằng gì bây giờ?/ Bằng ma nhà hay ma rừng?” và ông đã tuyên truyền ngay: “Có viên thuốc cứu chữa khi đau ốm/ Có máu tiếp của y bác sĩ hiếu thảo.../Hôm nay giở xem giấy khai sinh/ Còn thơm vạt áo chàm của mẹ che vú/ Sống thời đại Hồ Chí Minh”.
Một trong những nhà thơ thể hiện tính Đảng, tính nhân dân và tư tưởng Hồ Chí Minh rõ nét nhất trong thơ của mình là nhà thơ người dân tộc Mông - Mùa A Sấu trong tập thơ Quê hương núi. Hầu hết mỗi bài thơ đều được khai thác ở một đề tài khác nhau, rất hiếm có bài nào trùng bài nào bởi 83 bài thơ là 83 lời truyền dạy, sự chiêm nghiệm hoặc nhận thức của chính bản thân ông về nhiệm vụ cách mạng trên mảnh đất vùng cao biên giới. Đọc Quê hương núi sẽ thấy cái thú vị bởi sự đa dạng nhưng thống nhất của một phong cách thơ. Sự đa dạng là tuy nhiều chủ đề, nhiều cách diễn đạt, nhiều sáng tạo cả về ngôn ngữ và hình ảnh nhưng đều thống nhất là ngôn ngữ thơ giản dị dễ hiểu, hình ảnh thơ có sức khái quát và tượng trưng rất cao. Và tất cả đều nhằm mục đích làm công tác dân vận. Trong bài Người Mông cùng làm chủ đất nước ông viết: “Lời tốt giọng hay anh mang về/ Đến tận nhà dạy cho mọi người cùng hiểu thấu/ Bài dở anh chỉ khóa tròn trong quả bầu/ Lời tốt giọng hay anh mang đến/ Đến tận nhà cho mọi người cùng nghe thấy”. Trong bài Sáu mươi mùa xuân ông lại ví Đảng như một người gieo hạt, nhân những hạt giống tốt cho đời: “Sáu mươi mùa xuân nhân giống/ Trồng trên đất Việt Nam/ Vùng nào cũng cần thiết/ Thiếu cây núi sẽ đổ/ Giữ cây đất sẽ xanh”. Với Đảng, Mùa A Sấu luôn có những sáng tạo độc đáo đến bất ngờ. Có lúc ông gọi Đảng là ông Đỏ: “Bản Lướt là nơi sinh của ông Đỏ/Mường Kim là nơi ông Đỏ nhân giống/ Than Uyên là nơi chắp cánh ông Đỏ/ Bay khắp Lai Châu - Điện Biên (Nơi ấy). Hình ảnh núi rừng được ông cảm nhận một cách hết sức thú vị: “Lối Ma Ly Pho là sợi chỉ xuyên/ Qua sống váy Mèo”(Ma Ly Pho). Nhưng cũng trong bài thơ ấy, ông lại viết: “Đến Ma Ly Pho/ Kẻ xấu không có đường ra/ Đại đội xã viên ra đồng như đại quân ra trận/ Thấy xa như cái tường/ Đến gần hóa cái trường”. Đôi khi Mùa A Sấu cũng trăn trở với đời, với thời cuộc. Nhưng những lúc ấy ông lại coi Đảng, Bác Hồ là một kim chỉ nam, là một niềm tin: “Người thầy đã một trăm mười lăm tuổi/ Năm mươi tư người con đều đã ngoài sáu mươi/ Thế mà chưa giàu, nguyên nhân vì sao?Do kẻ thù gây chiến tranh xâm lược/ Hay do ta dốt nát chưa biết làm/ Hoặc do "con nhũng" cố tình đưa nhầm vào/ Két riêng đến cuốn trôi mất của dân/ Chỉ còn một cách/ Xin làm đúng theo ý của thầy”. 
Một nữ sĩ của Điện Biên mang dòng máu dân tộc Hà Nhì là nhà thơ Chu Thùy Liên. Chị không phải một nhà thơ chuyên nghiệp, nhưng -  thơ có hai tập, Thuyền đuôi én và Lửa sàn hoa, nhiều công trình sưu tầm văn hóa, văn học dân gian dân tộc Hà Nhì (tập Xa nhà ca). Dưới “con mắt” Phê bình văn học thì hai tập thơ của chị là có giá trị hơn cả. Tuy chưa phải những đóng góp lớn cho văn học nghệ thuật nước nhà, nhưng hai tập thơ của Chu Thùy Liên đã khẳng định sự trưởng thành của chị về mặt học thuật so với mặt bằng chung của dân tộc Hà Nhì, đó cũng là thành quả của sự giao thoa giữa tri thức hiện đại với văn hóa dân tộc. Quý hơn, trong số các nhà thơ thành danh ở Lai Châu cũ và Điện Biên hiện nay thì số lượng tác giả là người dân tộc thiểu số không nhiều. Hai tập thơ Lửa sàn hoa và Thuyền đuôi én của Chu Thùy Liên cho đến ngày hôm nay vẫn được coi là đốm lửa nhỏ tràn đầy năng lượng, có đầy đủ các điều kiện để nhen lên thành một ngọn lửa văn chương hừng hực cháy giữa đại ngàn của Tây Bắc.
Ngoài việc thể hiện tình yêu trong sáng, niềm hạnh phúc được sống, được hòa mình vào cuộc sống thì đóng góp lớn nhất của Chu Thùy Liên về nghệ thuật có lẽ là chị đã tìm ra cách để giải phóng sự ngột ngạt của ngôn ngữ đời thường bằng ngôn ngữ thơ ca. Ngôn ngữ thơ ca bản thân nó được lựa chọn từ trong vốn từ vựng của toàn dân, mà quen gọi đó là ngôn ngữ thông dụng. Nhưng ngôn ngữ thơ ca ngoài sự chắt lọc còn được sắp xếp một cách tinh vi để thể hiện trường thẩm mĩ của nhà thơ, từ đó tạo ra sự vi diệu cho thơ. Chu Thùy Liên đã đặt chân đến địa hạt của sự vi diệu ấy. Hình ảnh người mẹ tạo hóa, người mẹ mùa xuân được cảm nhận không theo quy luật tư duy thông thường mà theo cách riêng, cách mà đã khúc xạ toàn phần của tư duy nhà thơ: “Mẹ vẫn ngàn đời ươm tuổi nụ, hoa/ Tuổi biết mượn lời hát mà ước hẹn.../ Sắc, không trong âm, dương bất tận/ Đất trời bừng dậy thay áo mới. /Mùa Xuân!”  (Mạch nguồn). Cái cách mà Chu Thùy Liên khai thác văn hóa dân gian cũng lạ, ý tứ dân gian đi vào thơ của chị mềm mại và phù hợp tâm trang nhân vật trữ tình: “Hoa đến thì hoa nở/ Em lấy chồng mang theo câu hát/ Anh chơi vơi/ Em chơi vơi/ Câu dân ca chơi vơi  (Câu dân ca). Nếu như lấy hẳn ý tứ một câu dân ca làm chỗ dựa thì bài thơ này hỏng bét. Đằng này chỉ nhắc đến câu dân ca nên không thể đoán định đó là câu hát gì, nội dung câu đó ra sao, do vậy khoảng không mà câu thơ gợi ra là vô tận, nó đúng với bất kì tình cảnh nào mà con người gặp phải, nó giải tỏa nỗi bức bối mà ngôn ngữ giao tiếp thông thường khó diễn tả. Một cách khác để giải phóng khả năng biểu đạt cho ngôn ngữ thơ ca là cách dùng những hình ảnh, những ngôn từ thông dụng truyền thống quen thuộc trong đời sống. Kiểu sử dụng ngôn ngữ và hình ảnh thơ này vừa có giá trị khơi gợi trí tưởng tượng của người đọc, lại vừa mang đậm nét văn hóa dân gian và sự độc đáo của văn hóa dân tộc. Trong khi đó, nhiều người cho rằng địa hạt ngôn ngữ thơ ca phải là ngôn ngữ tinh xảo, chí ít cũng phải là khác lạ so với ngôn ngữ đời thường mới là sáng tạo. Nghĩ như thế đúng nhưng chưa đủ bởi đó là cách tuyệt đối hóa ngôn ngữ thơ ca, tạo thế đối lập giữa thơ ca với cuộc sống, tạo bức tường ngăn cách thế giới thơ ca với thế giới tâm hồn con người. Dưới đây là một cách mà nhà thơ đã sử dụng ngôn ngữ đời thường và hình ảnh quen thuộc để thâu tóm được cái thần, cái linh hồn trời đất vào trong mấy câu thơ: “Rộn ràng điệu lăm vông(1)/ Xắc xơ từng đợt sóng(2)/Chiêng bình bung gọi trống/ tiếng nói cười lay động thinh không  (Xuân Na Sang). Trong bài Tả Sìn Thàng, Chu Thùy Liên lại có một cách giải tỏa năng lượng ngôn ngữ một cách rất khéo léo nhưng cũng đầy phá cách. Bài thơ đã khẳng định cái đẹp đâu cứ là “chim sa cá lặn”, cái đẹp không phải sự hình dung những cái cao sang, càng đặc biệt không phải từ sự bóng bẩy câu chữ. Nhiều người cố tình đánh bóng câu thơ bằng những hình ảnh nửa thực nửa ảo khiến người đọc hoang mang tự hỏi: ngôn ngữ thơ có phải thứ ngôn ngữ huyền ảo tới mức không thể nào lí giải hoặc địa hạt thơ là của riêng nhà thơ(?). Rất giản dị và gần gũi, Chu Thùy Liên đã đưa vào thơ một nét đẹp dung dị, nó gần gũi và thân mật đến mức ai cũng có thể hiểu: “Về cô gái neo hồn dân tộc/ Trong từng đường thêu, nếp váy”. 
Nhà Thơ Du An lại thể hiện tính Đảng, tính nhân dân trong việc tìm tòi, khám phá và cống hiến cho bạn đọc những cách cảm nhận mới về cuộc đời bằng con mắt nghệ thuật của nhà thơ, tạm gọi đó là tính hệ hình của con chữ. Nói nghệ thuật là sự sáng tạo thì trước hết phải là sáng tạo về việc sử dụng câu chữ, mà muốn sử dụng sáng tạo câu chữ trước hết phải sử dụng đúng, lấy đó làm cơ sở để sử dụng hay và sử dụng sáng tạo. Đây là căn nguyên để nhiều người chê bai việc dùng từ ngữ hình ảnh thơ của Du An trong tập thơ này. Nói cách khác là họ dựa trên cơ sở mối liên hệ con chữ với nghĩa chữ để tiếp nhận tập thơ, nghĩa là chữ phải đúng nghĩa, đặc biệt là theo nghĩa từ điển mới được. Đây là cách triệt tiêu cá tính sáng tạo về nghĩa cho ngôn ngữ thơ. Trong bài Nhớ con lợn có đoạn: “Gấu quần hoa cám có tiếng/ eng éc ruỳnh ruỳnh văng chuồng/ …Con lợn được hỏi thăm trước anh và em/ mì chính mắm tôm chia khẩu phần ngoài máng”. Những ai đã từng sống trong cái thời mà gia sản trông chờ con lợn trong chuồng, con lợn là thứ tài sản lớn nhất thì mới hiểu tại sao “Con lợn được hỏi thăm trước anh và em”. Và có hiểu được như thế mới hiểu tác giả đang nhắc đến những ngày gian khổ, những ngày mà “lợn nuôi thầy giáo chứ không phải thầy giáo nuôi lợn”. Tất cả niềm hi vọng về kinh tế của thầy giáo được đặt vào chuồng lợn.  Nhưng chưa hết, cuối bài thơ còn có đoạn: “Hôm nay con bị điểm 2/ bài văn tả con lợn có sừng, kêu zaza như siêu nhân”. Hóa ra bài thơ còn tạt ngang sang chuyện thế sự, chuyện xoay vần của cuộc sống và nhận thức của giới trẻ hiện nay. Và cũng hóa ra, hình ảnh con lợn vốn bị mặc định là ngu, là lười, là bẩn thỉu, là dơ dáy… đi vào thơ Du An như biểu tượng của một thời trong kí ức, và trong cả nhận thức. Việc sử dụng con chữ với hệ hình chữ - nghĩa của hình ảnh con lợn của Du An chỉ có giá trị đối với cá nhân Du An trong bài thơ này mà thôi, nó không bắt ai phải nghĩ phải cảm giống như Du An bởi đó là cách nói của riêng Du An. Nếu có ai đó đồng cảm và thấu hiểu thì càng tốt, bởi đó là sự thấu hiểu một nét phong cách văn chương Du An.
Tính Đảng, tính nhân dân và tư tưởng Hồ Chí Minh trong các sáng tác của Hội Văn học nghệ thuật Điện Biên không chỉ được thể hiện ở những nhà thơ đã thành danh mà nó còn được thể hiện ở tác phẩm của tất cả các hội viên, cộng tác viên của Hội, nó thật sự đã trở thành một thứ vũ khí hữu hiệu trên mặt trận văn hóa tư tưởng, thứ vũ khí ấy đã được các thế hệ văn nghệ sĩ Điện Biên nắm chắc, mài sắc để chống lại những tư tưởng phản động, những âm mưu phá hoại của kẻ thù, những âm mưu diễn biến hòa bình, âm mưu chống lại Đảng và nhà nước ta. Bởi vậy, Tính Đảng, tính nhân dân và tư tưởng Hồ Chí Minh đã trở thành kim chỉ nam, thành truyền thống, trở thành sợi chỉ đỏ xuyên suốt lịch sử phát triển của Hội từ khi thành lập cho đến ngày hôm nay. Đó cũng chính là cách thực hiện đúng lời dạy của Bác: “Văn hóa, văn nghệ cũng như mọi hoạt động khác, không thể ở ngoài, mà phải ở trong kinh tế và chính trị”.